Sức khỏe luôn là nền tảng cơ bản của một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Khi đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tăng sức đề kháng nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh là một giải pháp hiệu quả bên cạnh các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sát khuẩn …
Sức đề kháng là gì?
Sức đề kháng là khả năng tự bảo vệ của cơ thể, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây hại từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, hóa chất độc hại hay các tế bào bị hư hỏng, các tế bào ung thư.
Hệ thống miễn dịch (Immune System) bao gồm các cơ quan, tế bào, protein và mô. Trong đó, tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng nhất. Khi các mầm bệnh bắt đầu xâm nhập vào bên trong cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tự động kích hoạt phản ứng miễn dịch, giải phóng kháng thể để tìm kiếm và tiêu diệt các mầm bệnh gây hại cho cơ thể.
- Hệ miễn dịch tự nhiên, hay còn gọi là hệ miễn dịch không đặc hiệu, hệ miễn dịch bẩm sinh, là khả năng chống lại các các tác nhân gây độc từ môi trường bằng các phản ứng tự nhiên, không đặc hiệu của cơ thể. Khả năng miễn dịch tự nhiên giúp cơ thể ngăn chặn vật lạ xâm nhập thông qua các cơ chế miễn dịch khác nhau như: da, niêm mạc; các tế bào thực hiện chứng năng miễn dịch: tiểu thực bào, đại thực bào; các hóa chất sinh học được tiết ra từ các mô, tế bào miễn dịch tiêu diệt các tác nhân gây hại. Khi kết thúc một quá trình miễn dịch tự nhiên, thường các yếu tố xâm nhập sẽ bị tiêu diệt. Nếu không các đại thực bào sẽ đóng vai kích hoạt hệ miễn dịch thu được.
- Hệ miễn dịch thu được, hay miễn dịch đặc hiệu, miễn dịch thích nghi, là trạng thái miễn dịch xuất hiện do kháng thể đặc hiệu tương ứng với từng kháng nguyên được cơ thể sản xuất ra sau khi phơi nhiễm. Hệ miễn dịch đặc hiệu có thể mất nhiều ngày để đáp ứng với vi sinh vật lần đầu xâm nhập vào cơ thể, tuy nhiên các tế bào miễn dịch sẽ ghi nhớ và phản ứng nhanh, mạnh mẽ hơn trong lần thứ hai tiếp xúc. Đây là hệ miễn dịch được ứng dụng nghiên cứu sản xuất các loại vắc-xin phòng bệnh.

Nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng
Khi hệ miễn dịch suy yếu, đơn giản là sức đề kháng cũng trở nên yếu ớt khiến cơ thể có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là Covid-19. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các yếu tố sau đây làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể:
- Suy giảm hệ miễn dịch do khiếm khuyết về mặt di truyền hay bệnh lý chấn thương, can thiệp phẫu thuật.
- Không khí, môi trường sống ô nhiễm: các nghiên cứu đã phát hiện vì sao khói, bụi, hơi hóa chất làm giảm khả năng sản sinh các tế bào miễn dịch lympho B và lympho T.
- Thức quá khuya: hoạt động của hệ miễn dịch diễn ra mạnh mẽ nhất vào ban đêm trong lúc ngủ. Nếu bạn ngủ không đủ giấc hệ miễn dịch không tạo đủ tế bào bạch cầ, tế bào lympho, kháng thể để chống đỡ với vi khuẩn, virus.
- Lười vệ sinh cơ thể, phòng ốc, nhà cửa tạo điều kiện vi khuẩn, tác nhân xấu xâm nhập.
- Stress: Khi stress, cơ thể tiết ra cortisol – một nội tiết tố giúp cơ thể phản ứng lại với các tác động từ nguy hiểm từ bên ngoài. Cortisol gây các phản ứng như: tăng nhịp tim, tăng tưới máu đến các cơ quan, tăng lượng đường trong máu giúp cơ thể tập trung năng lượng và luôn ở trạng thái sẵn sàng để đối phó với nguy hiểm. Một số hoạt động bảo vệ khác như phản ứng gây viêm, hoạt động của hệ miễn dịch vì vậy mà bị ức chế phần nào.
- Lạm dụng thuốc kháng sinh
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn ít rau xanh, thiếu hụt vitamin
- Uống ít nước
Dấu hiệu nhận biết sức đề kháng đang bị suy giảm
Khi sức đề kháng suy giảm, dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết nhất là cơ thể bị mệt mỏi, suy nhược tinh thần. Ngoài ra, cơ thể sẽ có một số vấn đề khác như sau:
- Dễ mắc các bệnh thông thường như cảm mạo, cảm cúm,…
- Hay bị ngứa, chảy nước mắt, không dung nạp và dị ứng với thực phẩm, kích ứng và ngứa da,…
- Các vết thương sẽ lâu lành, tốn nhiều thời gian để chữa lành bệnh hơn.
- Các vấn đề về hệ tiêu hóa sẽ bị kém đi như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,…
- Thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi và kéo dài, các khớp trong cơ thể cảm thấy đau nhức.
- Bị suy giảm thị lực, mắt dễ mỏi và nhìn mờ hơn.

Hậu quả khi cơ thể suy giảm sức đề kháng
Khi sức đề kháng bị suy giảm đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch của bạn đang gặp rắc rối, cơ thể sẽ đối diện với tình trạng dễ bị virus xâm nhập và gây ra các loại bệnh từ nhẹ đến nguy hiểm. Người bị suy giảm sức đề kháng sẽ dễ mắc phải các bệnh lý liên quan đến hô hấp như: cảm cúm, cảm lạnh, Covid-19, viêm họng cấp, viêm mũi dị ứng,…
Với những người bị mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì việc suy giảm sức đề kháng sẽ cực kỳ nguy hiểm. Các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, bệnh do phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn sẽ gây biến chứng nặng như viêm phổi cấp, suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hoành toàn cầu thì việc suy giảm sức đề kháng sẽ khiến cho virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể hơn.
Đối tượng nào dễ bị suy giảm đề kháng?
Sức đề kháng dễ bị suy giảm khi chúng ta có chế độ sinh hoạt không hợp lý, sống trong môi trường bị ô nhiễm, stress nhiều. Tuy nhiên, các đối tượng sau đây dễ bị suy giảm đề kháng hơn, bao gồm:
1. Người cao tuổi
Theo thời gian và các bệnh lý, hệ thống miễn dịch của người cao tuổi đã bị “mài mòn” đi phần nào. Các tế bào miễn dịch trong cơ thể người cao tuổi trở nên già đi, yếu ớt và chậm chạp hơn trong việc phòng chống virus.
2. Trẻ em
Hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng – 3 tuổi được coi là “khoảng trống miễn dịch” của trẻ. Do hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện nên lúc này trẻ thường bị mắc các bệnh về hô hấp.
3. Phụ nữ mang thai
Các mẹ bầu cũng là đối tượng dễ bị suy giảm sức đề kháng do trong quá trình mang thai, cơ thể có những thay đổi rõ rệt. Đây là đối tượng có nguy cơ cao bị mắc các bệnh nhiễm trùng, và khi mắc bệnh thường sẽ khá nặng và khó điều trị hơn so với người bình thường.
4. Người mới khỏi ốm
Những người vừa mới khỏi ốm thường cơ thể sẽ mệt mỏi, ăn không ngon, miệng đắng, tinh thần kém,… Lý do là hệ miễn dịch đang bị ảnh hưởng, sức đề kháng bị suy giảm, khiến cho cơ thể dễ bị tấn công.
5. Người mắc bệnh mãn tính
Những người đang mắc bệnh mãn tính như tim mạch, gan, phổi tắc nghẽn mạn tính,…
Tổng hợp 7 cách tăng cường sức đề kháng đơn giản và hiệu quả
Thay đổi lối sống một cách khoa học nhất sẽ cải thiện sức đề kháng cho cơ thể một cách hiệu quả và bền vững nhất. Ngủ đủ giấc, chế độ dinh dưỡng tốt, tập thể dục,… là một trong những cách để tăng cường sức đề kháng.
1. Ngủ đủ giấc và đúng giờ
Khi ngủ, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các chất có tính bảo vệ như kháng thể và cytokine để tiêu diệt các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus. Nếu ngủ không đủ giấc, khả năng hoạt động của hệ miễn dịch suy yếu đồng thời tăng nguy cơ mắc những bệnh mãn tính khác như: béo phì, đái tháo đường, tim mạch.
Tùy độ tuổi, lối sống và sinh hoạt mà mỗi người có nhu cầu năng lượng và thời lượng cho giấc ngủ khác nhau. Ví dụ, trẻ em cần ngủ nhiều hơn người người trưởng thành vì đang trong giai đoạn phát triển. Trong khi người cao tuổi lại thường sẽ ngủ ít hơn. Trung bình đối một người trưởng thành cần thời gian ngủ trung bình từ 7-8 tiếng mỗi đêm để đảm bảo đủ giấc, giúp cơ thể khỏe mạnh.

2. Kiểm soát căng thẳng, học cách điều hòa tâm trạng
Giảm căng thẳng và lo lắng đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe hệ miễn dịch. Căng thẳng kéo dài như một cuộc chiến khiến cơ thể tăng sản xuất cortisol, nội tiết tố stress, có tác dụng ức chế hệ miễn dịch khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh hơn.
Bí quyết ở đây, các hoạt động như vận động thể lực, thiền, yoga có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan, tiết chế áp lực trong cuộc sống. Khi căng thẳng thường xuyên và không thể kiểm soát, hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.

3. Tập thể dục đúng cách giúp cơ thể thêm khỏe mạnh
Tập thể dục, tập thể thao ở mức độ vừa phải có thể giúp tăng sức đề kháng, xây dựng một cơ thể khỏe mạnh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các buổi tập thể dục vừa phải và thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể tăng cường hiệu quả của vắc-xin ngay cả ở những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục trong nhà như nhảy dây, squat jump để tăng sức đề kháng trong mùa dịch. Ngoài ra thói quen đi bộ hay chạy bộ cũng rất tốt cho sức khỏe và hệ miễn dịch.
4. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học
Ăn uống khoa học lành mạnh là một trong những cách nâng cao sức khỏe dễ dàng và hiệu quả nhất, nó gắn liền với lối sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta
Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia thì cân bằng dinh dưỡng là chìa khóa để tăng cường sức đề kháng mùa dịch để phòng chống dịch hiệu quả. Nếu bạn vẫn đang thắc mắc: ăn gì để tăng sức đề kháng, uống gì để tăng sức đề kháng thì nội dung tiếp theo đây sẽ giải đáp cho bạn
Chế độ ăn cần cân đối 4 yếu tố:
- Cân đối về lipid (lipid động vật và lipid thực vật);
- Cân đối về vitamin và khoáng chất;
- Cân đối 3 chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate);
- Cân đối về protein (đạm động vật như gia cầm,.. và đạm thực vật)
Ngoài ra một chế độ ăn cân đối, đủ chất dinh dưỡng thì cần có ít nhất 5 nhóm trong 8 nhóm sau:
- Nhóm lương thực (gạo, bột mì)
- Nhóm sữa và các chế phẩm từ sữa
- Nhóm dầu ăn, mỡ, chất béo các loại
- Nhóm rau củ quả
- Nhóm thịt, cá, hải sản
- Nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng
- Nhóm các loại hạt
- Nhóm rau củ quả có màng vàng, da cam, hoặc trái cây lên men nguyên chất
Những thực phẩm tăng sức đề kháng:
- Nhóm các vitamin như: Vitamin A, Vitamin C, Vitamin D, Vitamin E
- Nhóm nguyên tố vi lượng: Sắt, Kẽm, Selen
- Các loại trái cây và rau quả như: Cam quýt, ớt chuông đỏ, bông cải xang, tỏi, gừng, cải bó xôi, hạnh nhân, trà xanh,..
Hãy quản lý và lựa chọn một chế độ dinh dưỡng từ các thực phẩm sạch, an toàn và hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm tăng sức đề kháng để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh.



5. Sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ
Vai trò của thuốc kháng sinh là tiêu diệt và ngăn chặn vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như đề kháng thuốc, loạn khuẩn đường ruột. Một báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng, lạm dụng kháng sinh có thể tiêu diệt những vi sinh vật có lợi ở đường ruột, mất đi sự đa dạng cần thiết để thiết lập các phản ứng miễn dịch.
Chúng ta không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh, hãy tuân thủ và nghe theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

6. Tiêm vắc-xin kháng thể
Hầu hết tất cả người lớn và trẻ em, cá nhân nên tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm phổi và tiêm phòng cúm ở trạm y tế hay bệnh viện, đặc biệt là người cao tuổi và bất cứ ai có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một căn bệnh nào đó gây ra, chẳng hạn như HIV, ung thư…
Nguyên tắc của việc tiêm vắc-xin giúp cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên đặc hiệu (không có khả năng gây bệnh), giúp hệ miễn dịch tạo sẵn kháng thể giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại khi phơi nhiễm.
7. Sử dụng thực phẩm chức năng tăng đề kháng
Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung các nguyên tố vi lượng, tổng hợp vitamin nhằm nâng cao sức đề kháng là thật sự cần thiết và có hiệu quả đối với các bệnh nhân trong việc phòng và hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19.
Trên thị trường hiện nay có các sản phẩm dinh dưỡng, vitamin tăng sức đề kháng. Những sản phẩm này có ưu điểm là tiện lợi, dễ sử dụng, bổ sung trực tiếp, nhanh và đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên tình trạng tồn tại quá nhiều sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và giá thành rất khác nhau, việc chọn một sản phẩm phù hợp là vấn đề đáng được quan tâm.

Để quyết định chọn một sản phẩm phù hợp nào, chúng ta cần hiểu rõ nhu cầu cơ thể cũng như thành phần, công dụng của từng loại sản phẩm. Bổ sung những chất cơ thể không cần có thể dẫn đến thừa và gây hại cho cơ thể. Hãy tham khảo ý kiến chuyên môn của các dược sĩ, bác sĩ trước và tư vấn từ nhà sản xuất trước khi muốn sử dụng một loại sản phẩm nào. Sau khi đã xác định sản phẩm phù hợp hãy tham khảo các sản phẩm cùng loại từ nhiều nhà sản xuất khác nhau để so sánh. Nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được nhập khẩu chính ngạch để tránh mua phải hàng giả, hạn chế mua nhầm hàng kém chất lượng.
Lời kết
Bên trên là những cách đơn giản để bạn có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể một cách hiệu quả nhất. Tuân thủ theo các hướng dẫn bảo vệ sức khỏe, áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục đều đặn là biện pháp “phòng thủ” khoa học để giữ cho hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ
Công ty Cổ Phần Dược Medpharm – Nhà nhập khẩu và phân phối các sản phẩm tốt cho hô hấp tại Việt Nam
- Địa chỉ: 343/54 Tô Hiến Thành, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
- Hotline: 028 220 39369 – 0978 433 453
Nguồn tham khảo
- https://moh.gov.vn/tang-cuong-suc-khoe-trong-mua-dich
- http://viendinhduong.vn/vai-tro-cua-vi-chat-dinh-duong-voi-tang-cuong-mien-dich-va-tang-truong-cho-tre-em.html
- http://trungtamytegovap.medinet.gov.vn/chuyen-muc/lam-sao-de-tang-cuong-suc-de-khang-bang-vitamin-an-toan-trong-mua-dich-cmobile14393-44130.aspx
- Maldonado Galdeano, Carolina et al. “Beneficial Effects of Probiotic Consumption on the Immune System.” Annals of nutrition & metabolism 74,2 (2019): 115-124. doi:10.1159/000496426