1./ Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD) là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh viêm phổi tiến triển gây khó thở do đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Không khí bị kẹt trong phổi còn được gọi là bẫy khí hay là hiện tượng không thể thở ra hoàn toàn kết hợp với việc thở gắng sức làm cho bệnh nhân khó thở. Đây là bệnh lý mãn tính không thể chữa hết hoàn toàn. Tuy nhiên bằng cách thay đổi lối sống, áp dụng phương pháp trị liệu và dùng thuốc, người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là thuật ngữ chung cho các bệnh lý ở phổi bao gồm:

  • Khí Phế Thủng: là một bệnh lý mạn tính ở phổi gây khó thở, cụ thể là bệnh lý của phế nang. Phế nang gồm nhiều túi nhỏ chứa khí. Bệnh xảy ra khi các vách ngăn giữa các túi khí suy yếu và vỡ ra – tạo nên các khoảng không khí lớn thay vì những khoang nhỏ. Điều này làm giảm diện tích bề mặt của phổi, hạn chế lượng oxy từ phổi vào máu. Khi bạn thở ra, các phế nang bị tổn thương không hoạt động bình thường nên không khí cũ bị giữ lại, không còn chỗ cho không khí giàu oxy đi vào. Hệ quả là bạn cảm thấy khó thở, nhất là khi chạy nhảy hay tập thể dục.

  • Viêm phế quản mãn tính: là hiện tượng viêm, sưng đường hô hấp dai dẳng và kéo dài. Triệu chứng của viêm phế quản mãn tính là ho dai dẳng và tăng tiết dịch từ phổi.

  • Hen suyễn: hay còn gọi là hen phế quản. Bệnh xảy ra khi đường thở bị viêm nhiễm, sưng phù phế quản co thắt, tiết dịch nhầy cản trở không khí đi vào phổi khiến bệnh nhân thiếu oxy, khó thở. Thông thường với hen, dùng thuốc có thể đảo ngược triệu chứng, mở rộng đường thở. Tuy nhiên đối với hen mãn tính, thuốc không thể mở hoàn toàn đường thở, không thể đảo ngược quá trình bệnh và được phân loại như bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD).

Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính

2./ Nguyên Nhân bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD)

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) như sau:

  • Hút thuốc: Người đang hút thuốc, đã từng hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc thụ động.
  • Yếu tố môi trường: Sống trong môi trường nhiều bụi, hóa chất bay hơi, khói và ô nhiễm.
  • Yếu tố di truyền: Một số người có mắc phải khí phế thủng do rối loạn tổng hợp protein alpha 1 antitrypsin. Cơ thể không thể sản xuất protein Alpha – tác nhân bảo vệ phổi.

3./ Triệu Chứng bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD)

Triệu chứng đầu tiên của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có thể âm ỉ và dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý khác ở phổi. Chúng thường được chẩn đoán sai lầm là do tuổi già hay tăng cân nặng. COPD là một bệnh lý diễn tiến ở phổi với 3 giai đoạn như sau:

Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD) nhẹ

Triệu chứng đầu tiên của COPD có xu hướng xảy ra chậm và rất nhẹ. Trong giai đoạn đầu, bạn có thể không nhận thấy sự khác thường nào ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày hay sự tự do của bạn. Bạn có thể ho, khạc đàm vào buổi sáng và cảm thấy hơi thở ngắn hơn bình thường nếu bạn đi nhanh và hay làm việc gắng sức.

Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD) vừa

Khi COPD tiến triển, bạn sẽ nhận thấy triệu chứng hầu như mỗi ngày và cảm thấy khó khăn trong hoạt động thường ngày như làm vườn, đi lại trong nhà mà không phải thở dốc. Những triệu chứng khác bao gồm:

  • Ho dai dẳng, không cảm thấy đỡ hơn (do tích tụ đàm trong đường thở)
  • Tăng tiết dịch, đàm đặc với màu trắng hay vàng
  • Cảm giác mệt mỏi
  • Dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp và lâu bình phục hơn khi bị cảm hay viêm đường hô hấp dưới.

Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD) nặng

Trong trường hợp COPD nặng, bạn sẽ cảm nhận triệu chứng hầu hết thời gian

  • Khó khăn khi leo cầu thang hoặc di chuyển, phải thở gấp
  • Cảm thấy mệt mỏi hầu hết thời gian, mặc dù nghỉ ngơi
  • Ho thường xuyên và khạc nhiều đàm
  • Luôn cảm thấy vướng và muốn làm sạch đường hô hấp
  • Dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp
  • Mất vài tuần để hồi phục khi bị cảm hay nhiễm trùng đường hô hấp

4./ Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD) ở Việt Nam

Trên thế giới có khoảng 384 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), gây ra hơn 3 triệu ca tử vong mỗi năm, và là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong. Tại Việt Nam tỉ lệ COPD khoảng 4.2% và ngày càng gia tăng do tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà đứng đầu là khói thuốc lá, kế đến là ô nhiễm môi trường, chất đốt sinh khói (đun nấu bằng than củi) và phơi nhiễm nghề nghiệp (nghề mộc, nghề sơn, dệt may, xây dựng) cùng với sự lão hóa dân số.

Tuy nhiên, COPD bị chẩn đoán dưới mức, khoảng 70% bệnh nhân trên toàn cầu chưa được chẩn đoán đúng và chỉ được phát hiện khi bệnh đã nặng với triệu chứng rõ rệt như suy chức năng hô hấp và phải nhập viện cấp cứu. Hệ quả là chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm sút, hạn chế các hoạt động hàng ngày hoặc thậm chí phải nghỉ làm: gia tăng gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và xã hội.

Khoảng 20% bệnh nhân mắc COPD đồng thời mắc bệnh hen được gọi là hội chứng chồng lấp Hen – COPD (ACOS). Bệnh nhân với ACOS được điều trị theo phác đồ khác với bệnh nhân chỉ mắc COPD hay Hen.

5./ Các phương pháp chẩn đoán bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD)

  • Chẩn Đoán: Dù hiện tại chưa có cách chữa trị cho bệnh COPD, nghiên cứu cho thấy chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm, kết hợp với chương trình kiểm soát bệnh trong thời kỳ đầu có thể tăng giá trị cuộc sống, làm chậm quá trình tiến triển bệnh, giảm tần suất nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân.
  • Kiểm tra chức năng phổi (bằng hơi thở): Hô hấp ký là phương pháp chẩn đoán xác định COPD. Phương pháp bao gồm thổi vào trong ống nối với hô hấp ký, máy sẽ phân tích sức khỏe phổi của bạn bằng cách đo bao nhiêu khí hít vào và thở ra. Kết quả sẽ cho bác sĩ biết bạn có bị COPD hay không, hay bệnh lý phổi nào khác như hen chẳng hạn. FEV1 là lượng không khí bạn có thể thổi ra hết mức trong 1 giây đầu tiên. Số liệu này rất quan trọng để đánh giá luồng không khí bị cản trở trong trường hợp bị COPD. Bác sĩ của bạn sẽ so sánh FEV1 với số đo chuẩn (được gọi là giá trị dự đoán) của người không mắc bệnh lý về phổi ở cùng độ tuổi, giới tính và chiều cao. Từ sự so sánh này bác sĩ sẽ tính ra được tỉ lệ phần trăm, giá trị được sử dụng để đánh giá mức độ nặng nhẹ của COPD.

Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính

6./ Điều trị bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD) như thế nào?

Mặc dù tổn thương ở phổi không thể khôi phục, điều trị sớm là rất quan trọng để giúp cải thiện tình trạng bệnh. Làm theo những bước sau đây có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giúp bạn kiểm soát tốt bệnh COPD, bao gồm giảm cơn kịch phát xảy ra. Phương pháp điều trị bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc lá: Không phải ai bị COPD cũng từng hút thuốc, tuy nhiên nếu bạn hút thuốc, cai thuốc là điều đơn giản nhưng rất quan trọng có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe và chức năng phổi. Nếu bạn tiếp tục hút thuốc, sức khỏe của bạn và triệu chứng hô hấp sẽ tệ hơn. Bạn sớm bỏ thuốc chừng nào, phổi bạn sẽ sớm có cơ hội phục hồi tốt hơn. Đừng mặc cảm và nản lòng vì chưa thể cai thuốc. Hầu hết mọi người nói họ muốn bỏ thuốc và đã từng thử ít nhất 1 lần. Vài người thành công trong lần đầu tiên nhưng có người phải cố gắng rất nhiều lần trước khi bỏ hẳn hoàn toàn. Một kế hoạch cụ thể có thể giúp bạn xem xét lý do và động lực để bạn bỏ thuốc, giúp bạn lựa chọn phương pháp phù hợp:
    • Dùng Nicotine thay thế
    • Phương pháp hỗ trợ như: giáo dục, tư vấn
    • Thay đổi thói quen hằng ngày để giảm xu hướng muốn hút thuốc
    • Sống khỏe và năng động: Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân với bệnh lý phổi mãn tính sử dụng 25-50% năng lượng nhiều hơn so với người bình thường. Đó là do những thay đổi ở phổi, bệnh nhân phải vận động mạnh hơn để thở và chống chọi với cơn nhiễm trùng kịch phát, thường xảy ra ở người bị COPD. Có nhiều cách có thể giúp bạn sống khỏe mạnh và có năng lượng để làm những việc bạn yêu thích như:
    • Chế độ dinh dưỡng hợp lý
    • Vận động thể lực
    • Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc
    • Tham gia các hoạt động giải trí với bạn bè, gia đình. Luyện tập kỹ năng thư giãn, giảm stress và lo âu
  • Giảm cân: Cân nặng có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng, hoạt động và triệu chứng khó thở. Nếu bạn quá ốm, cơ thể bạn không đủ năng lượng dự trữ. Bạn có thể sẽ mệt mỏi và và các hô hấp sẽ yếu hơn. Cơ thể suy nhược cũng là nguyên nhân khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp hơn. Nếu bạn thừa cân, có thể sẽ làm tăng triệu chứng khó thở, làm bạn khó khăn trong các hoạt động thường ngày như leo cầu thang hay làm việc nhà. Thừa cân cũng có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh lý như cao huyết áp, cao cholesterol và đái tháo đường tuýp 2.

Theo khuyến cáo bạn nên có đầy đủ các loại thức ăn từ 5 nhóm thực phẩm: rau củ, tinh bột, thịt, sữa.  Bạn nên uống nhiều nước và giới hạn thức ăn chứa mỡ, muối, đường, tránh thức uống có cồn. 

  • Tập thể dục: Nếu bạn không thở được với những hoạt động hằng ngày, có lẽ bạn sẽ không muốn tập thể dục. Tuy nhiên điều đó sẽ làm cơ thể bạn yếu đi theo thời gian. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn duy trì thể lực, tăng cường sức khỏe và giảm triệu chứng khó thở. Bạn nên hướng đến tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần. Bạn không cần phải tập liên tục 30 phút trong một lần. Một số người có thể làm được nhưng với một số người cần phải chia ra nhiều lần tập, nên tập những động tác làm cho bạn hơi mệt một chút sẽ tốt hơn cho bạn. Bạn nên tham khảo với các chuyên viên y tế, đặc biệt là chuyên viên vật lý trị liệu về loại hoạt động nào đó phù hợp với bạn.
  • Tiêm ngừa đầy đủ: Bạn nên tiêm ngừa đầy đủ hỗ trợ cho hệ miễn dịch và giảm nguy khởi phát cơn kịch phát. Chẳng hạn như:
  • Cúm mùa: Tiêm ngừa cúm mùa mỗi năm làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở người mắc COPD.
  • Viêm phổi: nguy cơ mắc phải viêm phổi do phế cầu tăng lên theo tuổi tác, dù bạn rất khỏe mạnh và năng động nhưng có thể có nguy cơ mắc phải viêm phổi. Khi bạn già đi hệ miễn dịch tự nhiên sẽ suy yếu làm cho cơ thể bạn khó có thể chống lại bênh tật và vi khuẩn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ và hỏi họ về chương trình tiêm chủng ngừa viêm phổi.
  • Phòng tránh cơn kịch phát: Cơn kịch phát COPD là khi triệu chứng tệ đi nhanh chóng, thông thường là trải qua vài ngày. Nguyên nhân do nhiễm trùng (thường gây ra bởi virus), khói bụi, ô nhiễm môi trường. Cơn kịch phát hay xảy ra vào mùa đông làm cho hoạt động hàng ngày của bạn trở nên khó khăn hơn. Điều quan trọng là bạn cần xác định dấu hiệu đầu tiên của cơn kịch phát và bắt đầu điều trị sớm nhất có thể. Triệu chứng thường gặp của cơn kịch phát là:
    • Ho nhiều hơn bình thường
    • Cơn khó thở xảy ra thường xuyên hơn
    • Thay đổi dịch tiết (đàm đặc hơn)
    • Trở nên mệt mỏi hơn bình thường

Nếu bạn cảm nhận bất cứ triệu chứng nào dưới đây bạn nên đi đến bệnh viện vì cơn kịch phát có thể trở nặng. Gọi cấp cứu khi bạn có những triệu chứng sau đây:

    • Khó khăn khi nói
    • Khó khăn khi đi lại
    • Bạn không thể ngủ vì khó thở
    • Bạn cảm thấy buồn ngủ và lơ mơ
    • Môi và đầu ngón tay tím tái
    • Nhịp tim và mạch nhanh và không ổn định

Cơn kịch phát có thể gây tổn thương cho phổi và làm cho COPD tệ hơn. Giảm nguy cơ của cơn kịch phát bằng cách:

    • Dùng thuốc điều trị COPD theo chỉ định của bác sĩ
    • Hỗ trợ hệ thống miễn dịch với vaccine cúm mùa, vaccine viêm phổi
    • Không tiếp xúc với trẻ em và người bị cảm, cúm mùa, viêm xoang hay viêm hô hấp trên
    • Tránh xa những thứ có thể làm cho triệu chứng tệ hơn như mùi lạ, khói bụi, không khí lạnh và ẩm

7./ Các loại thuốc tham khảo trong chữa bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mãn Tính (COPD)

Có nhiều loại thuốc được dùng để cải thiện khả năng hô hấp cho bệnh nhân COPD. Một vài loại giúp mở rộng đường thở, trong khi các loại khác thư giãn cơ xung quanh đường thở để hô hấp dễ dàng hơn. Thuốc chữa COPD thường được sử dụng dưới dạng ống hít định liều để đưa thuốc trực tiếp vào phổi. Có 3 loại thuốc chính chữa COP:

  • Thuốc cắt cơn (Albuterol/ Ipratropium Bromide/ Ipratropium Bromide + Fenoterol): thuốc cắt cơn nên được dùng khi bạn cảm thấy thở gấp đột ngột. Những thuốc này được gọi là thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh có tác dụng giãn cơ đường thở giúp đường thở mở rộng hơn cho phép không khí ra vào phổi dễ hơn, giảm cảm giác khó thở. Thuốc bắt đầu có tác dụng trong vài phút và kéo dài trong vài giờ.
  • Thuốc duy trì: thuốc duy trì có tác dụng giãn phế quản kéo dài. Giống như thuốc cắt cơn, thuốc giãn phế quản kéo dài tác động lên đường thở bởi giãn cơ trơn xung quanh chúng. Thuốc điều trị duy trì thường cần nhiều thời gian hơn để bắt đầu. Tuy nhiên tác dụng kéo dài 12-24 giờ tùy vào thuốc. 2 loại thuốc giãn phế quản duy trì:
  • Thuốc Anticholinergic tác dụng kéo dài (LAMA)
  • Thuốc Beta2-agonist tác dụng kéo dài (LABA)

Bạn có thể được kê đơn 1 loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, hoặc kết hợp 2 loại như là Glycopyrronium Bromide / Indacaterol; Umeclidinium/Vilanterol; Spiolto (Tiotropium /Olodaterol); Brimica (Aclidinium / Formoterol)

  • Thuốc điều trị COPD chứa corticosteroids: Một vài thuốc dạng hít chứa corticosteroids được kết hợp với các thuốc giãn phế quản. Corticosteroids có tác dụng làm giảm tình trạng viêm và giúp đường thở của bạn ít nhạy cảm, giảm sưng viêm và tiết dịch. Những thuốc này bao gồm Symbicort (Budesonied and Formoterol); Seretide (Fluticasone và Salmeterol). Các dạng phối hợp này thường được dùng cho bệnh COPD dạng vừa và nặng, nhiều hơn 2 lần cơn kịch phát phải nhập viện trong 1 năm. Không sử dụng corticosteroids một thành phần ở bệnh nhân COPD, thường chỉ được dùng để điều trị hen hoặc với những bệnh nhân có cả hen và COPD. Sau khi sử dụng ống hít corticosteroids, cần phải vệ sinh hầu họng cẩn thận để tránh tác dụng phụ của thuốc. Theo thống kê, hơn 90% bệnh nhân với COPD không biết cách sử dụng ống hít đúng cách. Bạn nên hỏi bác sĩ hay dược sĩ để được hướng dẫn. Sử dụng ống hít định liều đúng cách rất quan trọng trong việc giúp bạn kiểm soát được triệu chứng bệnh của mình.
  • Thuốc điều trị cơn kịch phát: Những thuốc này được dùng trong một thời gian ngắn khi bạn gặp phải cơn kịch phát. Dùng thuốc sớm có thể giảm triệu chứng và rút ngắn thời phát bệnh.
  • Thuốc kháng sinh: Không nên dùng thuốc kháng sinh thường ngày đối với bệnh nhân COPD chỉ được dùng để điều trị nhiễm trùng trong cơn kịch phát. Khi hàm lượng số lượng, cấu trúc và màu sắc của đàm thay đổi có thể bạn đang nhiễm trùng. Khi bạn được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, hãy dùng thuốc theo hướng dẫn và đủ liều dù bạn đã cảm thấy khỏe lại.
  • Thuốc corticoid đường uống: Thuốc corticosteroid đường uống có thể được chỉ định bởi bác sĩ để kiểm soát triệu chứng của bạn trong cơn kịch phát như khò khè hay khó thở. Thông thường bác sĩ sẽ cho bạn 1 đợt điều trị từ 5-10 ngày, bạn nên uống thuốc đúng giờ và liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không được ngừng thuốc đột ngột khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Dùng thuốc Theo hướng dẫn: Hỏi bác sĩ và dược sĩ để hiểu rõ hơn về thuốc của bạn
    • Thuốc này được dùng để làm gì
    • Thuốc hoạt động như thế nào
    • Dùng thuốc như thế nào
    • Thời điểm nào dùng thuốc hiệu quả nhất
    • Dùng thuốc bao lâu thì có kết quả
    • Tác dụng phụ có thể của thuốc là gì? làm thế nào để có thể tránh hay hạn chế?
    • Thuốc này có tương tác với các thuốc khác đang sử dụng hay không?
  • Liệu pháp Oxygen: Trong trường hợp COPD nặng, mức oxygen trong máu sẽ giảm, do đó bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp thở oxy để giúp giảm tổn thương đến sự hoạt động và phát triển của các tế bào và cơ quan trong cơ thể. Một vài bệnh nhân cần thở oxygen liên tục, một số khác chỉ cần oxygen khi có hoạt động hay tập thể dục. Lưu ý liệu pháp thở oxy không được chỉ định trong trường hợp khó thở vì nó không làm giảm triệu chứng khó thở.

Tài liệu tham khảo:

  • Lung Foundation Australia | lungfoundation.com.au
  • Global Initiative for Chronic Pulmonary Ostructive Disease.Update 2019
  • World Health Organization. Chronic respiratory diseases. Available at: http://www.who.int/respiratory/en/. Last accessed October 2016.
  • World Health Organization. Chronic Obstructive Pulmonary Disorder. Available at: http://www.who.int/respiratory/copd/en/. Last accessed October 2016.
  • National prevalence survey of chronic obstructive pulmonary disease in Viet Nam. 42nd Union World Congress on Lung Health 2011
  • Am J Respir Crit Care Med Vol 198, Iss 9, pp 1130–1139, Nov 1, 2018
  • López MV, et al. Respirology. 2016; 21:1227-34.
  • Am J Respir Crit Care Med 2017;195: A3667